Header Ads

Nhiều người nhận bảo hiểm thất nghiệp dù đã đi làm

Dù nhiều người đã tìm được việc làm mới nhưng vẫn cố tình trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp 


>> Có thể bạn quan tâm: Bảo hiểm tai nạn cá nhân là gì?

Để giải quyết tình trạng này, BHXH Việt Nam đang xây dựng bộ công cụ tập trung dữ liệu quản lý chính sách BHXH và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) qua trục tích hợp quốc gia. Theo đó, toàn bộ lịch sử làm việc, thời gian đóng bảo hiểm của NLĐ sẽ được quản lý theo số sổ BHXH. Cụ thể, bộ công cụ có các tính năng nổi bật như: Kết nối với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ để khai thác quá trình tham gia khi xét duyệt các chế độ. Đồng thời, bộ công cụ cũng sẽ kết nối, cung cấp dữ liệu cho hệ thống tài chính, kế toán, kiểm soát thông tin xét duyệt các chế độ. Đặc biệt, việc quản lý người hưởng chế độ hàng tháng, kiểm soát thông tin người hưởng trợ cấp ngắn hạn, kiểm soát thông tin người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hiển thị đầy đủ trên bộ công cụ này.

Theo BHXH Việt Nam, trước mắt Trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương sẽ là "cánh tay nối dài" của cơ quan BHXH, được quyền truy cập, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành BHXH trong lĩnh vực BHTN, cụ thể là bộ công cụ tập trung dữ liệu quản lý chính sách BHXH, nhằm phục vụ cho việc giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ.

Dù là một trong những trụ cột về an sinh xã hội nhưng tình trạng trục lợi BHTN đang ngày càng gia tăng. Điển hình tại TP HCM, trong 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP phối hợp với BHXH TP đã phát hiện khoảng 330.000 NLĐ có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán cũng phát hiện 720 trường hợp khác vừa có việc làm vừa nhận trợ cấp thất nghiệp từ các năm 2012, 2013, với số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Theo quy định, nếu NLĐ có việc làm mới sẽ chấm dứt ngay hưởng trợ cấp thất nghiệp, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều NLĐ vừa có việc làm mới, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, mà không tự động khai báo. Đây cũng là trường hợp điển hình và phổ biến nhất trong trục lợi quỹ BHTN. Ngoài ra còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, hay hiện tượng NLĐ di chuyển từ doanh nghiệp (DN) này sang DN khác, nhưng chỉ sau một thời gian, NLĐ quay lại DN cũ.

Theo nld

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.